
Viêm tụy cấp diễn tiến thông thường chiếm 80% là thể nhẹ, 20% sẽ chuyển biến thể nặng
Có tới hơn 70% người mắc viêm tụy mạn tính là do rượu. Càng các dịp nghỉ lễ, Tết, số bệnh nhân mắc viêm tụy càng gia tăng.
Tụy là cơ quan ngoại tiết có chức năng tiết ra dịch tụy (dịch) tiêu hóa thức ăn, tụy còn có chức năng tiết ra hoóc môn insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu.
Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi chuyển vào ruột non. Men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương, viêm hoại tử và có thể dẫn đến tử vong.
Người uống rượu bị viêm tụy cấp có triệu chứng rất điển hình, sau 1 đến 3 ngày, đau bụng đột ngột, dữ dội, ói, nôn, không ăn uống được.
Trong tình huống này, để không nguy hiểm tính mạng, ThS. Vũ Thị Tuyết Mai -Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ Đa khoa - Bộ Y tế đưa ra lời khuyên như sau:
Không nên quá chén nếu thấy bụng đau. Trong trường hợp đau bụng cấp sau khi uống rượu bia, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm. Việc xử lý sớm giúp cho bệnh không trở nên trầm trọng và diễn tiến nguy hiểm.
Bệnh viêm tụy cấp có thể xảy ra sau một lần uống nhiều rượu hoặc sau bữa ăn quá giàu đạm, chất béo. Cơ chế là do men trypsin của tụy từ dạng không hoạt động chuyển thành dạng hoạt động làm tổn thương nhu mô tụy. Thể nhẹ chỉ phù nề tụy và điều trị bằng các thuốc giảm đau, giảm tiết khoảng một tuần sẽ khỏi và không để lại di chứng.
Thể nặng hoại tử nhu mô tụy có thể dẫn tới các biến chứng trụy tim mạch, suy hô hấp, suy thận, viêm phúc mạc phải điều trị tích cực.
Người bệnh cần hạn chế uống rượu nhiều và liên tục vì ảnh hưởng tới gan, dạ dày, hệ thống thần kinh và làm tái phát viêm tụy. Không ăn thực phẩm giàu protein, lipid, các sản phẩm sữa. Đi ăn cỗ có thể uống một đến hai chén rượu. Nếu bệnh nhân đang trong giai đoạn điều trị nên hạn chế tối đa các loại nước uống có cồn.